Ngày 9/9, tại TP.HCM, Báo Tiền phong phối hợp Coca-Cola Việt Nam tổ chức Lễ phát động chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối”, nhằm mục đích nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc phân loại, tái chế chai và lon đã qua sử dụng, hướng tới tầm nhìn “Vì một thế giới không rác thải”.
Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư TƯ Đoàn, Chủ tịch TƯ Hội sinh viên Việt Nam; đồng chí Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh; Nhà Báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập BáoTiền phong; ông Leonardo Garcia, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam và Campuchia cùng đông đảo sinh viên trên địa bàn.
Đây là năm thứ 2 chương trình ý nghĩa này được Coca – Cola triển khai tại Việt Nam. Tại 5 trường đại học ở TP.HCM gồm: Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Công thương TP.HCM, Đại học Ngân hàng và Đại học Gia Định, mỗi trường sẽ có 2 máy thu gom chai – lon được đặt trong thời gian 3 tháng.
Ngoài việc trực tiếp thu gom chai nhựa/lon đã qua sử dụng, sinh viên các trường còn hưởng ứng chương trình bằng cách tham gia cuộc thi clip với chủ đề: Bảo vệ môi trường bắt đầu từ việc xây dựng và duy trì thói quen THU GOM - PHÂN LOẠI - GỬI ĐI TÁI CHẾ rác thải nhựa. Lần đầu tiên, Coca-Cola Việt Nam hợp tác với BOTOL để lắp đặt các máy thu gom chai và lon tại các khu dân cư thuộc Công ty TNHH Quản lý tài sản Taisei Việt Nam và trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chai và lon sau khi được thu gom sẽ được xử lý để tái chế. Dự kiến trong 3 tháng đầu tiên, các máy sẽ thu nhận được 100.000 vỏ chai nhựa và lon đã qua sử dụng.
Ông Lê Trung Tín - Giám đốc Marketing Coca-Cola Việt Nam , chia sẻ: "Là một trong những công ty nước giải khát hàng đầu, ngoài việc mang lại những sản phẩm chất lượng cao, chúng tôi luôn hướng tới việc phát triển bền vững, nhằm tạo nhiều tác động tích cực đến cộng đồng và môi trường. Chính vì vậy, giảm thiểu rác thái nhựa nằm trong một phần trách nhiệm của chúng tôi. Chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" được tiếp tục năm thứ 2, nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của việc thu gom - tái chế và kêu gọi những hành động thiết thực từ cộng đồng. Với sự hợp tác của BOTOL, báo Tiền Phong cùng các trường đại học trong dự án lần này, chúng tôi cùng nhau hướng đến 1 thế giới không rác thải, một nền kinh tế tuần hoàn và bền vững hơn."